Tin Tức - Sự Kiện

Thanh niên Trầm Minh Thuần, khởi nghiệp từ mô hình kinh tế hợp tác
Ngày đăng: 14-11-2019
Sản xuất theo quy trình lúa hữu cơ, không sử dụng phân, thuốc hóa học nên năng suất lúa vụ thu - đông vừa qua đạt 05 tấn/ha. Nông dân tham gia sản xuất lúa hữu cơ ngoài được bao tiêu sản phẩm, hợp tác xã còn hỗ trợ miễn phí chi phí vận chuyển, khoa học - kỹ thuật và quy trình canh tác.

Anh Trầm Minh Thuần (bên phải).

Thanh niên Trầm Minh Thuần, sinh năm 1993, xuất thân trong gia đình thuần nông, sau khi tốt nghiệp cao học ngành Kinh tế Luật Kinh tế, anh Thuần nhận thấy lúa là một trong những cây trồng chủ lực của quê hương, anh vận động bạn bè hợp tác phát triển kinh tế tập thể, từ đó tháng 7/2018, hợp tác xã nông nghiệp Long Hiệp ra đời hoạt động với 61 thành viên tham gia góp vốn điều lệ 700 triệu đồng, sản xuất trên diện tích 50ha và bao tiêu sản phẩm của nông dân với giá cao hơn thị trường 300 đồng/kg, trong đó có 20ha diện tích sản xuất lúa hữu cơ chủ yếu loại OM18. Anh Thuần cho biết: Sản xuất theo quy trình lúa hữu cơ, không sử dụng phân, thuốc hóa học nên năng suất lúa vụ thu - đông vừa qua đạt 05 tấn/ha. Nông dân tham gia sản xuất lúa hữu cơ ngoài được bao tiêu sản phẩm, hợp tác xã còn hỗ trợ miễn phí chi phí vận chuyển, khoa học - kỹ thuật và quy trình canh tác. Bên cạnh đó, hợp tác xã còn cung ứng dịch vụ phân, giống lúa cho nông dân thấp hơn giá thị trường 1.000 đồng/kg. Theo anh Thuần, thời gian đầu do chưa có kinh nghiệm nên việc điều hành, quản lý hợp tác xã gặp không ít khó khăn. Song với tinh thần cần cù, sáng tạo, quyết tâm vượt khó vươn lên, anh không ngừng tìm tòi, học hỏi để áp dụng và mang lại hiệu quả. Không chỉ dừng lại ở đó, anh Thuần còn tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm gạo, đưa nghề sản xuất lúa gạo hữu cơ ngày càng phát triển bền vững. Khi có đối tác, anh quyết định chuyển sang làm sản phẩm gạo sạch từ hạt lúa hữu cơ và xây dựng thương hiệu gạo riêng cho mình. Sau khi thu mua lúa của nông dân, anh đem về thuê nhà máy xay xát ra gạo rồi đóng gói và đặt tên thành phẩm là “hạt gạo ngọc rồng” và đem ra giới thiệu thị trường. Sản phẩm được đóng gói vào túi nilông 05kg, giá bán 19.000 đồng/kg.

 Anh Thuần cho biết thêm: Ban đầu tôi làm với sản lượng ít để đem bán thử ra thị trường và bất ngờ được thị trường chấp nhận, sản phẩm làm ra không đủ để bán do khâu đóng gói còn công đoạn thủ công, trong khi đó, lúa hữu cơ bước đầu chỉ sản xuất được 01 vụ thu - đông nên sản phẩm cung cấp thị trường không lớn. Điều đáng quan mừng là hiện nay sản phẩm làm ra đã đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, có doanh nghiệp tại tỉnh Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh. Sau hơn 08 tháng hoạt động, tổng doanh thu của hợp tác đạt trên 250 triệu đồng, lợi nhuận trên 50 triệu đồng. Ngoài việc xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu lúa hữu cơ tại xã Long Hiệp và xã Đôn Xuân, huyện Duyên Hải, anh giải quyết việc làm cho xã viên gia công đóng gói sản phẩm gạo.

 Ngoài ra, để có được sản phẩm gạo thơm ngon, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và đáp ứng đầy đủ nhu cầu của khách hàng, hướng tới thị trường xuất khẩu, hợp tác xã phối hợp với các ngành chuyên môn tiếp tục truyền đạt kinh nghiệm và chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân trong và ngoài vùng nguyên liệu quy trình cánh tác sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc vi sinh áp dụng sản xuất để tăng năng suất và chất lượng lúa, hướng tới sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam cạnh tranh trên thị trường, qua đó nhân rộng những mô hình khởi nghiệp của tuổi trẻ, góp phần vào tiến trình thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và XDNTM của địa phương.

 

Bài, ảnh: MỸ NHÂN

Ban Biên Tập

Chịu trách nhiệm chính:
Ông : Tống Việt Cường
Thực hiện: Công Nghệ Số ASC

Số lượt xem: 28720

Hộp Thư Góp Ý

#